Lịch sử nghiên cứu địa di sản vùng Phong Nha - Kẻ Bàng
Phong Nha - Kẻ Bàng là một địa danh nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt vời, từng thu hút sự chú ý của các nhà thám hiểm và nhà khoa học từ rất sớm.
Các văn tự bằng ngôn ngữ Chăm Pa cổ khắc trên vách đá cho thấy động Phong Nha được phát hiện từ thời xa xưa khi vùng đất này còn thuộc Vương quốc Chăm Pa.
Năm 1550, Dương Văn An là người đầu tiên viết về động Phong Nha, điều này đã được chạm lên một trong các Cửu Đỉnh ở Đại Nội triều Nguyễn ở Huế.
Năm 1824, động Phong Nha được vua Minh Mạng sắc phong là "Diệu ứng chi thần".
Cuối thế kỷ 19, ông Léopold Michel Cadière, một linh mục người Pháp, sau khi thám hiểm động Phong Nha đã suy tôn động này là “Đông Dương đệ nhất động”.
Vào khoảng đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học như Parton, Antoine, M. Bouffier, R. Caderre, Finot, Golonbew, Hoàng Thiếu Sơn, Nguyễn Kinh Chi, Lê Bá Thảo,... đã tổ chức những chuyến khảo sát, và đã giới thiệu di sản Phong Nha - Kẻ Bàng với cộng đồng thế giới. Năm 1924, nhà thám hiểm người Anh Barton đã đánh giá động Phong Nha có thể sánh ngang với các hang động đẹp nổi tiếng trên thế giới như động Padirac (Pháp), động Drach (Tây Ban Nha). Năm 1937, Phòng du lịch của Khâm sứ Pháp (ở Huế) cho in tờ gấp giới thiệu du lịch ở Quảng Bình, trong đó động
Phong Nha được xếp hạng nhì trong danh sách các danh thắng ở “Đông Dương thuộc Pháp”. Nhưng trong những năm dài chiến tranh, việc nghiên cứu bị gián đoạn, và chỉ được khởi động trở lại, từ 1975, sau khi thống nhất đất nước, với sự quan tâm của các tổ chức Quốc tế như: Quỹ Bảo tồn các động vật hoang dã (WWF), Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Nhóm nghiên cứu hang động thuộc Hội Hang động Hoàng gia Anh (HHHĐHGA - BCRA), Đại học Toulouse, Đại học kỹ thuật Nottingham, Hội Địa chất Australia, Đại học Sidney... với những nhà nghiên cứu tên tuổi như Dehavenig L., Limbert H., Elery H., Hans F.
Năm 1989, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhận được thư của ông Howard Limbert - Trưởng nhóm nghiên cứu hang động thuộc HHHĐHGA đề nghị được giúp đỡ để vào thám hiểm và nghiên cứu hang động Việt Nam, trước tiên tại khối đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng của Quảng Bình. Nhiệm vụ nghiên cứu đó đã được Nhà trường giao cho Khoa Địa lý - Địa chất đảm nhiệm. Đề cương nghiên cứu đầu tiên về khối đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng và hệ thống hang động trong đó được giao cho Phan Duy Ngà và Tạ Hòa Phương soạn thảo. Đó là sự khởi đầu của quá trình hợp tác nghiên cứu hang động giữa Đoàn thám hiểm của HHHĐHGA với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 1990, cuộc khám phá hang động lần đầu của họ được tiến hành, với sự có mặt của các nhà hang động học và leo núi: Howard Limbert, Debora Limbert, John Palmer, Robert North. Robert Cork, Andy Quin, Nguyễn Xuân Trường, Dany Bradshaw, Phan Duy Ngà, Trịnh Long và Tim Allen. Nhóm thám hiểm này đã hoàn tất việc thám hiểm động Phong Nha và Hang Tối. Sau đó là những cuộc thám hiểm vào các năm 1992, 1994 v.v... và tiếp tục cho đến ngày nay.
Ngày 20/5/1997, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký Quyết định 540/QĐ-UB về việc thành lập Ban chỉ đạo lập Dự án bảo tồn và quản lý khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (gọi tắt là Chương trình Phong Nha - Kẻ Bàng) với hai nội dung chính là xây dựng dự án Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên thế giới; giao cho Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Văn hoá và Thông tin tổ chức thực hiện chương trình nghiên cứu bảo tồn và quảng bá các giá trị của Phong Nha - Kẻ Bàng, đồng thời hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO xem xét, công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới.
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quảng Bình với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm Chương trình Phong Nha - Kẻ Bàng đã trực tiếp chủ trì việc tổ chức nghiên cứu khoa học với sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là Trung tâm Tài nguyên Môi trường Lâm nghiệp - Viện Điều tra Quy hoạch rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Khoa Địa lý - Địa chất - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, các tổ chức Quốc tế như: Quỹ Bảo tồn các động vật hoang dã (WWF), Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN)..., xây dựng Hồ sơ Di sản với tên gọi là "Khu động Phong Nha" trên diện tích 41.132 ha báo cáo Bộ Văn hóa và Thông tin gửi sang Paris trình UNESCO tháng 06/1998.
Tháng 5/1999, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo tổ chức nghiên cứu bổ sung những giá trị địa chất, địa mạo và thông báo tên chính thức đề nghị công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới là "Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng" để hàm chứa hết những giá trị thiên nhiên của khu bảo tồn; đồng thời tích cực tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ xây dựng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Ngày 12/12/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 189/2001/QĐ- TTg thành lập Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trên cơ sở chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Nha.
Ngày 5/7/2003, tại Hội nghị thường niên lần thứ 27 diễn ra tại Paris (CH Pháp), Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên thế giới với tiêu chí VIII.
Phần thuyết minh tính đa dạng địa chất, địa mạo trong Hồ sơ di sản đệ trình UNESCO xét công nhận DSTNTG do tập thể các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đảm nhiệm. Nội dung chính của bản thuyết minh đó được thể hiện trong chuyên khảo khoa học “Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình, Việt Nam” do Cục Địa chất và khoáng sản ấn hành.
Trong chuyên khảo này có phần giới thiệu về lịch sử thám hiểm hang động trong vùng, trong đó nêu bước ngoặt quan trọng trong công tác này liên quan đến Dự án “Hợp tác nghiên cứu hang động Miền Bắc Việt Nam” từ năm 1990 giữa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với HHHĐHGA.
Bằng những trang thiết bị nghiên cứu hang động chuyên nghiệp, hợp tác kể trên đã cho những kết quả rất có giá trị về khoa học và những tiền đề để phát triển du lịch. Kết quả của nhiều năm hợp tác nghiên cứu đã cho ra một cuốn sách “Kỳ quan hang động Việt Nam” in song ngữ Việt - Anh, khổ rộng, với 2 đồng chủ biên là Nguyễn Quang Mỹ và H. Limbert (2001). Hiện nay sự hợp tác đó còn đang tiếp tục. Một trong những thành quả quan trọng của Hợp tác kể trên là hàng trăm hang động mới được khám phá.
Năm 2004, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu tuyến du lịch mạo hiểm Phong Nha - Kẻ Bàng” (GS. Trương Quang Hải chủ nhiệm, 2004-2005).
Trong quá trình nghiên cứu theo chuyên môn sâu, các nhà khoa học địa chất, địa mạo của trường Đại học khoa học Tự nhiên cũng chú tâm gắn đề tài nghiên cứu của mình với những sự kiện, những địa điểm ở Việt Nam xứng đáng được bảo tồn như một di sản địa chất có thể khai thác phục vụ du lịch, ví dụ, các mặt cắt địa chất tiêu biểu, đặc biệt là những ranh giới thời địa tầng có ý nghĩa khoa học lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với quốc tế, như ranh giới Frasni - Famen ở Minh Hóa, Quảng Bình, về các hệ thống hang động trong vùng (H. Limbert và nnk, 2012) hoặc về một hang động cụ thể (Tạ Hòa Phương và Nguyễn Hiệu, 2016; H. Limbert và nnk, 2016).